Người MobiFone sẽ đọc, suy ngẫm và thường xuyên nhắc nhở bản thân về những bài học ở hai câu chuyện sau.
1. Chuyện Con ếch
Có một người đầu bếp bắt được hai con ếch. Anh ta quyết định làm một thí nghiệm.
Đối với con ếch thứ nhất, người đầu bếp đặt nó vào một cái nồi chứa một ít nước với nhiệt độ khá cao. Ngay khoảnh khắc con ếch chạm chân vào mặt nước, nó lập tức phản ứng, nhảy ra ngoài và nhanh chóng chạy mất.
Đối với con ếch thứ hai, lần này, người đầu bếp đặt nó vào một cái nồi chứa một ít nước với nhiệt độ bình thường. Con ếch không hề phản ứng, ngoan ngoãn ngồi yên. Người đầu bếp đặt cái nồi lên bếp và bắt đầu bật lửa rất nhỏ, với mục đích đun nước với một tốc độ rất chậm. Thời gian dần trôi qua, nước trong nồi dần nóng lên khiến con ếch từ từ yếu đi nhưng nó không hề hay biết và vẫn ngồi bất động. Cơ thể nó vẫn còn thích nghi và chịu đựng được. Đến một lúc, nước trong nồi đã khá nóng, và lần đầu tiên con ếch nhận ra điều đó. Lúc này, nó muốn nhảy ra ngoài nhưng không còn đủ sức lực. Cuối cùng, con ếch bị luộc chín trong nồi. ( Nguồn : chuyện sưu tầm có phóng tác)
2. Chuyện Con bò
Có một gia đình nọ bao gồm một cặp vợ chồng và bốn đứa con. Họ rất nghèo, sống chen chúc nhau trong một căn nhà tồi tàn, chật hẹp. Thứ tài sản quý giá nhất và cũng là nguồn sống duy nhất của họ là một con bò già; nó cung cấp một chút sữa đủ để họ sống qua ngày. Trong nhiều năm, mọi hoạt động hàng ngày của họ cũng chỉ xoay quanh con con vật này: cho nó ăn và vắt sữa của nó vào ban ngày, buộc chặt nó vào ban đêm. Họ chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có thể làm một điều gì khác để kiếm ăn. Họ chấp nhận số phận, thỏa mãn và tin rằng con bò còn có thể nuôi sống mình trong nhiều năm nữa.
Không may, một hôm, gia đình nọ thức dậy và thấy một cảnh tượng đau lòng: con bò yêu quý của họ đã chết. Họ sốc, tuyệt vọng và sợ hãi, cảm thấy như thể ngày tận thế đã xảy ra: "Chúng ta sẽ sống ra sao khi nguồn sống duy nhất của mình đã mất?" Họ sống lay lắt qua một vài ngày đầu tiên bằng cách ăn thịt con bò trong sự thống khổ.
Nhưng rồi gia đình nọ cũng dần vượt qua nỗi đau và nhận ra mình phải làm một điều gì đó. Đằng sau nhà họ có một miếng đất nhỏ bỏ hoang, nên họ quyết định khai hoang nó và thử gieo xuống một vài hạt rau củ quả. Đó là việc họ chưa từng làm trước đây nên ban đầu có vô vàn khó khăn, nhưng dần dần họ cũng làm quen được. Sau một tuần lễ, họ thu hoạch được những thành phẩm đầu tiên và chúng giúp họ sống sót.
Vài tháng sau, gia đình nọ ngày càng trở nên thành thạo hơn trong công việc trồng trọt, giúp năng suất ngày càng tăng. Đến một lúc, họ nhận thấy mảnh vườn cung cấp nhiều lương thực hơn mức mình cần. Vậy nên, họ quyết định bán cho những người hàng xóm xung quanh. Với số tiền thu được, họ mở rộng mảnh vườn và mua thêm nhiều loại hạt giống khác nhau để thử nghiệm. Có những loại thành công, mọc lên thành cây, thành quả; và cũng có không ít loại thất bại. Nhưng họ không nản lòng với những thất bại đó mà xem chúng là những trải nghiệm học tập quý giá. Không lâu sau, họ không chỉ đủ ăn mà còn có thể đem ra chợ bán.
Sau hai năm, gia đình nọ trở nên ngày càng khá giả. Họ có đủ tiền để nâng cấp ngôi nhà, mua quần áo và cho con cái đi học. Giờ đây, khi nghĩ lại về con bò, họ vẫn cảm thấy thương tiếc và biết ơn vì những đóng góp của nó đối với gia đình mình.
Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy may mắn về cái ngày nó chết, vì đó cũng là ngày mà họ đã dám dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, thử làm những điều mới mẻ và đưa cuộc đời mình bước sang một trang mới. ( Nguồn : dựa theo câu chuyện trong tác phẩm "Ngày xưa có một con bò", tác giả Camilo Cruz)
Góc nhìn tham khảo từ chuyện
Hai câu chuyện trên mang đến cho mỗi người MobiFone chúng ta hai thông điệp rất quan trọng.
Thông điệp thứ nhất đến từ câu chuyện về con ếch, đó là mỗi người MobiFone chúng ta cần phải nhận thức rằng " Thay đổi hay là chết / Change or Die".
Lâu nay, MobiFone chúng ta kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Trong lĩnh vực này, chúng ta là người đi đầu và đã dẫn đầu trong rất nhiều năm. Tuy nhiên ngày nay, có vô số thứ đã biến đổi: xã hội, ngành nghề, môi trường kinh doanh, hành vi khách hàng, v.v... Chúng ta không thể ngồi yên đó và tự huyễn hoặc rằng: "Ủa, mọi thứ vẫn tốt mà!". Với bối cảnh mới này, nếu dậm chân tại chỗ hay ngủ quên trên chiến thắng, chúng ta sẽ phải rời khỏi cuộc chơi. Vì lẽ đó, ở phương diện tổ chức, MobiFone bắt buộc phải chuyển đổi một cách thần tốc và mạnh mẽ về mọi mặt. Còn ở phương diện cá nhân, từng người MobiFone chúng ta không được an phận, không được "ngủ quên", không được hoài niệm hay luyến tiếc quá khứ mà phải tập trung vào thực tại và sẵn sàng thay đổi bản thân mình để giúp tổ chức thực hiện thành công sự chuyển đổi.
Điều này có liên quan mật thiết với thông điệp thứ hai đến từ câu chuyện con bò, đó là mỗi người MobiFone chúng ta cần phải có " Tinh thần CÓ THỂ / CAN-DO Spirit". Đó thực chất là tinh thần dám đối diện với thực tế – rằng những gì là nguồn sống của chúng ta sẽ có ngày không còn nữa. Chúng ta cần dám bước ra khỏi vùng an toàn và thử làm những điều mới mẻ. Lâu nay, "con bò hái ra tiền" của MobiFone chính là "viễn thông"; và hiện nay, lĩnh vực này đã trở nên bão hòa. Do đó, ở phương diện tổ chức, MobiFone cần phải can đảm tham gia sân chơi mới – sân chơi về "công nghệ số". Còn ở phương diện cá nhân, mỗi người MobiFone chúng ta cần phải tự suy xét xem mình có đang có níu giữ "con bò" nào không, đó có thể là cách nghĩ, cách làm theo sự rập khuôn nào đó không còn đủ hiệu quả hay phù hợp ở bối cảnh hiện tại nữa. Chúng ta cần nhận diện chúng, đổi mới tư duy, rèn luyện những cách nghĩ, cách làm mới hiệu quả hơn. Và cũng giống như gia đình trong câu chuyện, khi thử làm những điều mới, chắc chắn chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí thất bại. Nhưng chúng ta hãy đồng lòng giữ vững niềm tin, kiên nhẫn và xem chúng như những trải nghiệm học tập quý giá. Bằng cách đó, nhất định chúng ta sẽ ngày càng trở nên thành thạo hơn, thu hoạch được "quả ngọt" từ sự nỗ lực của mình và cùng nhau đưa MobiFone bước sang một trang mới.
© 2022 CÔNG TY DỊCH VỤ MOBIFONE KHU VỰC 9